Giáo sư, Tiến sĩ Đào Đức Phương
Đại học Bang Colorado, Hoa Kỳ
Tôi là Đào Đức Phương, hiện là Giáo sư kiêm nhiệm (Assistant Professor) ngành Viễn thám Hàng không và Vệ tinh (Airborne and Satellite Remote Sensing), Sinh thái học thực vật (Plant Ecophysiology), và Nông nghiệp số (Digital Agriculture) tại Colorado State University, Hoa Kỳ. Tôi cũng đang đảm nhận vai trò Phó biên tập tạp chí Austral Ecology của Hiệp hội Sinh thái học Australia. Tôi tốt nghiệp Tiến sĩ với bằng kép ngành Địa lý tự nhiên và Khoa học Môi trường tại University of Toronto (2016-2021), làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại University of Wisconsin-Madison (2021-2023), và từng là cựu học viên Trường hè khóa 3. Tôi xin phép chia sẻ một số kinh nghiệm nghiên cứu khoa học mà bản thân học hỏi và đúc kết được trong quá trình học tập và nghiên cứu khoa học, tập trung chủ yếu vào giai đoạn làm tiến sĩ và sau tiến sĩ. Tôi hy vọng những kinh nghiệm ít ỏi của bản thân có ích cho các bạn trẻ đang và chuẩn bị theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học.
Nghiên cứu trong giai đoạn làm tiến sĩ
Nghiên cứu tiến sĩ là một trong những giai đoạn quan trọng nhất trong sự nghiệp nghiên cứu của một nhà khoa học. Đây là giai đoạn sinh viên hỏi được những kiến thức khoa học nền và khám phá ra tri thức mới, định hướng và lựa chọn còn đường khoa học của riêng mình trong tương lai. Sinh viên tiến sĩ thường đi sâu vào nghiên cứu ở một hướng hẹp để giải quyết một bài toán hay trả lời một câu hỏi nghiên cứu. Ngoài việc nghiên cứu, sinh viên có thể cần hay phải học thêm một số môn học để bổ sung kiến thức nền và các kỹ năng nghiên cứu như: phương pháp nghiên cứu, thiết kế thí nghiệm, phương thức thu thập và xử lý số liệu, phân tích số liệu, thống kê, máy tính, kỹ năng viết báo cáo khoa học, đạo đức khoa học, v.v. Đây cũng là giai đoạn quan trọng giúp sinh viên cải thiện và phát triển các kỹ năng nghiên cứu cần thiết để trở thành một nhà nghiên cứu độc lập và chuyên nghiệp trong tương lai.
Định hướng khi bắt đầu chương trình tiến sĩ: Có định hướng sớm và rõ ràng về hướng nghiên cứu cũng như công việc trong tương lai sẽ giúp sinh viên có một trải nghiệm nghiên cứu tiến sĩ suôn sẻ và thành công hơn. Nếu có mục tiêu và định hướng rõ ràng, sinh viên có thể tận dụng thời gian và tài nguyên ở trường đại học để cải thiện những kỹ năng và kiến thức cần thiết cho công việc sau này. Nếu sinh viên muốn theo đuổi nghiên cứu hàn lâm trong trường đại học hay viện nghiên cứu sau khi tốt nghiệp thì trong quá trình làm tiến sĩ, ngoài chất lượng nghiên cứu và xuất bản phải cao thì sinh viên cũng cần cài thiện thêm các kỹ năng viết khoa học, giảng dạy và hướng dẫn sinh viên, v.v. Ngược lại nếu sinh viên định hướng ra làm công ty thì nên học thêm về công nghệ và thiết bị mới ngoài sản xuất, thực tập tại các công ty, tập đoàn trong lĩnh vực để hiểu thêm về quy trình ngoài thực tiễn sản xuất. Đương nhiên việc định hướng này có thể thay đổi trong quá trình nghiên cứu tùy vào mong muốn thay đổi nghề nghiệp tương lai của sinh viên.
Lựa chọn đề tài: Lựa chọn đề tài nghiên cứu là bước đầu tiên và quan trọng trong một dự án hay chương trình nghiên cứu, đặc biệt là đối với sinh viên cao học. Việc định hướng đề tài sớm sẽ giúp sinh viên tập trung vào tìm hiểu và đọc tài liệu chuyên sâu để tìm ra vấn đề nghiên cứu cần giải quyết. Tuy nhiên sinh viên cũng không nên quá lo lắng về việc chưa xác định được đề tài nghiên cứu khi mới bắt đầu. Thông thường sinh viên tiến sĩ có thể phải mất 1-2.5 năm đầu tiên để học các môn học bổ sung, vượt qua các kỳ thi bắt buộc (thi vượt rào ở Bắc Mỹ), và đọc tài liệu chuyên sâu để tìm ra hướng đi cuối cùng. Trong quá trình làm tiến sĩ, sẽ có những thời điểm chúng ta cảm thấy áp lực, lo lắng, thậm chí là sợ hãi vì chưa tìm ra hướng nghiên cứu, học và đọc mãi mà vẫn thấy mờ mịt, thậm chí tự đặt câu hỏi: mình sẽ làm gì, mình có tốt nghiệp được không, và tốt nghiệp bằng cách nào. Điều này không chỉ xảy ra với tôi mà còn với rất nhiều bạn bè đồng nghiệp mà tôi biết. Ở những thời điểm như vậy, sinh viên cần bình tĩnh, trao đổi với giáo sư và hội đồng hướng dẫn (advisory committee), bạn bè, đồng nghiệp để tìm ra ý tưởng hay giải pháp.
Đề tài nghiên cứu như thế nào là tốt? Thông thường không có một quy chuẩn rõ ràng hay cố định để đánh giá chất lượng của một đề tài nghiên cứu. Việc đánh giá này phụ thuộc vào đặc thù ngành nghề, hướng nghiên cứu, và quan điểm của chuyên gia trong ngành (hội đồng hướng dẫn và thẩm định luận án tiến sĩ). Một đề tài tiến sĩ có thể chỉ để kiểm nghiệm một phương pháp, mô hình với một bộ dữ liệu, khu vực nghiên cứu khác nhau (case study), cũng có thể nhằm cải tiến phương pháp hay độ chính xác, kiểm nghiệm một giả thuyết, hay khám phá ra phương pháp hay lý thuyết hoàn toàn mới. Mỗi đề tài nghiên cứu đều có ý nghĩa và đóng góp riêng của nó dù ít hay nhiều, dù là cho khoa học hay thực tiễn. Tuy nhiên, theo quan điểm của cá nhân tôi, một đề tài tốt thì cần có các yếu tố như: tính cấp thiết (worth doing), tính nguyên mẫu (original), tính mới (novel), tính đặc thù (unique), tính khả thi (feasible), và khả năng mở rộng (expandable). Một nghiên cứu mới và đặc thù sẽ giúp nhà khoa học trở thành một chuyên gia và người đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu hẹp, có chỗ đứng riêng trong ngành. Lựa chọn hướng đi quá chung chung, phổ biến, và ai cũng có khả năng làm được thì có thể khó để phát triển lên sau này.
Tính khả thi của đề tài: Tất cả những tiêu chí đề tài ở trên đều cần phải dựa trên một tiêu chí rất quan trọng là “tính khả thi”. Một đề tài nghiên cứu cần có tính mới, có đóng góp về mặt khoa học và/hoặc thực tiễn, có tính mạo hiểm, nhưng đồng thời cũng phải có cơ sở khoa học chặt chẽ và tính khả thi. Tính khả thi được xác định thông qua tiến bộ khoa học trong hướng nghiên cứu, chuyên môn giáo sư hướng dẫn, cơ sở vật chất và thiết bị cần thiết cho nghiên cứu, kinh phí đề tài, thời gian nghiên cứu, cũng như khả năng và nền tảng kiến thức của bản thân. Một đề tài nghiên cứu dù có hay đến đâu nhưng nếu không tính đến tính khả thi thì rất dễ dẫn đến thất bại. Kinh nghiệm từ một đồng nghiệp cùng nhóm nghiên cứu của tôi, người theo đuổi một đề tài không khả thi do không có thiết bị cần thiết đã phải thay đổi đề tài sau gần 3 năm làm tiến sĩ. Để tránh trường hợp này thì theo tôi sinh viên nên chọn một đề tài nhỏ (side project và làm chương đầu tiên trong luận án) trong đề tài lớn luận án để bắt đầu. Đề tài phụ này sẽ giúp sinh viên học kiến thức nền, phương pháp nghiên cứu, thiết kế và thực hiện thí nghiệm, học thêm các phương pháp phân tích dữ liệu, viết báo khoa học nhằm tạo tiền đề cho bài toán lớn hơn trong luận án.
Không nên chạy theo các hướng mang tính thời sự (trending) nhưng không phù hợp: không nên chạy theo hướng thời sự và ngắn hạn, ăn xổi chỉ vì nó dễ làm, nhanh có kết quả, dễ xin tại trợ nghiên cứu hơn mặc dù nó không phù hợp với bạn. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải tìm được hướng đi mà chúng ta thực sự đam mê, thực sự muốn theo đuổi. Khi chúng ta yêu và dành tâm huyết cho một công việc nào đó, khả năng thành công sẽ rất lớn. Lựa chọn một hướng nghiên cứu hẹp và chuyên sâu sẽ giúp chúng ta trở thành một chuyên gia và có chỗ đứng riêng trong khoa học. Theo tôi đây là tính đặc thù (unique) trong nghiên cứu khoa học. Khi tuyển dụng giáo sư thì hội đồng cũng sẽ thiên về tuyển những nhà khoa học chuyển sâu về một hướng và hướng đó có thể mở rộng và kết hợp các hướng nghiên cứu khác (của các đồng nghiệp trong cơ quan) hơn là một người làm quá nhiều hướng mà không sâu hẳn về hướng nào. Tuy nhiên điều này cũng tùy thuộc vào định hướng nghề nghiệp của nhà nghiên cứu. Các hướng thời sự có thể có ích hơn cho quá trình xin việc của các bạn theo hướng làm ngoài công ty (industry) thay vì tiếp tục con đường nghiên cứu hàn lâm.
Sẵn sàng thay đổi hay điều chỉnh hướng nghiên cứu ban đầu: Một vấn đề mà tôi thường thấy ở sinh viên là cứng nhắc hay cố chấp theo bằng được hướng nghiên cứu đề xuất khi mới bắt đầu. Theo tôi thấy thì có đến 90% đề cương nghiên cứu chúng ta đề xuất và viết khi nộp hồ sơ xin học tiến sĩ bị thay đổi hoàn toàn hay điều chỉnh phần lớn trong quá trình học. Tôi thấy điều này cũng là bình thường và dễ hiểu vì trong nghiên cứu rất khó để các bạn sinh viên đại học hay thạc sĩ nhìn thấy được toàn cảnh đề tài và kết quả nghiên cứu tiến sĩ. Hướng nghiên cứu có thể thay đổi hay điều chỉnh bất cứ thời điểm nào trong quá trình nghiên cứu tùy thuộc vào tiến bộ khoa học trong hướng nghiên cứu, giáo sư hướng dẫn, cơ sở vật chất của trường cũng như nhóm nghiên cứu mà bạn tham gia. Khi xét hồ sơ xin học bổng tiến sĩ, đa phần các trường hay giáo sư chỉ yêu cầu ứng viên viết bản định hướng nghiên cứu (research statement) để biết mong muốn, định hướng, hay ý tưởng của ứng viên chứ không quá quan tâm đến chi tiết.
Đóng góp của nghiên cứu cho khoa học và/hoặc thực tiễn: Đóng góp và ảnh hưởng của một đề tài nghiên cứu luôn được tính đến khi đề xuất, đây cũng là yếu tốt mà các cơ quan tài trợ nghiên cứu luôn tìm kiếm khi đánh giá một đề suất xin tài trợ. Đóng góp ở đây có thể chỉ là đóng góp khoa học, chỉ là đóng góp thực tiễn, hay đồng thời cả khoa học và thực tiễn. Một đề tài không nhất thiết và bắt buộc phải có đóng góp thực tiễn. Đôi khi một đề tài nghiên cứu chỉ để tìm hiểu và giải thích một hiện tượng trong tự nhiên hay xã hội để bổ sung vào kho tàng kiến thức của nhân loại mà không tạo ra một sản phẩm mang tính vật chất cho xã hội. Ở Việt Nam tôi thường nghe nói những đề tài không có ứng dụng thực tiễn thường bị xem nhẹ, tuy nhiên tôi thấy đây là nhận định không đầy đủ về bản chất của nghiên cứu khoa học.
Nghiên cứu sau tiến sĩ
Đây là giai đoạn rất quan trọng giúp nhà khoa học tạo tiền đề, hình thành ý tưởng nghiên cứu cho việc thành lập một nhóm nghiên cứu độc lập khi trở thành trưởng nhóm hay nhà nghiên cứu chính (Principal Investigator). Nhà nghiên cứu cần tìm một vị trí sau tiến sĩ phù hợp với định hướng nghiên cứu trong tương lai của mình chứ ko đơn thuần là đi làm sau tiến sĩ chỉ vì cần một công việc. Tùy vào định hướng nghiên cứu từng người và truyền thống từng ngành mà lựa chọn hướng nghiên cứu phù hợp. Có ngành yêu cầu dự án sau tiến sĩ phải khác hoàn toàn so với hướng nghiên cứu tiến sĩ, có ngành thì không. Theo quan điềm và kinh nghiệm cá nhân tôi, tôi lựa chọn một vị trí có 30-40% kế thừa chuyên môn từ thời học tiến sĩ để tiếp tục phát triển sâu về hướng tôi muốn theo đổi, đồng thời có 60-70% là hướng mới để giúp tôi mở rộng và kết hợp với kiến thức, dữ liệu, chuyên môn mới để nghiên cứu của tôi trở nên đa dạng và liên ngành hơn. Mặc dù chúng ta luôn cần giữ một hướng nghiên cứu chuyên sâu và chủ đạo, nhưng việc đa dạng hóa nghiên cứu sẽ giúp nhà khoa học tạo ra giá trị và ảnh hưởng lớn hơn, tránh việc trở thành nhà khoa học chỉ biết một nghề (one-trick pony).
Trong bản thuyết trình nghiên cứu (research statement) trong bộ hồ sơ xin việc, ngoài phần viết về những kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu hiện tại và quá khứ, chúng ta cũng cần đề xuất 2-3 hướng nghiên cứu tiềm năng, những dự án dự định làm trong từng giai đoạn (thường là trong 5 năm đầu tiên), thiết bị cần mua, nhân sự cần tuyển của nhóm trong tương lai khi chúng ta thành lập nhóm nghiên cứu riêng. Một kế hoạch, định hướng, tầm nhìn nghiên cứu tốt sẽ giúp chúng ta thuyết phục được hội đồng tuyển dụng tuyển và cấp cho chúng ta một lượng đầu tư tài chính (start-up package có thể từ vài trăm ngàn đến vài triệu đô la tùy vào đặc thù và tiềm lực từng nước, trường, và hướng nghiên cứu) đủ để chúng ta thành lập nhóm nghiên cứu đúng như mong muốn.
Cởi mở trong hợp tác nghiên cứu
Các nghiên cứu hiện nay thường cần sử dụng đến kiến thức chuyên môn từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Một nhà khoa học dù xuất sắc cũng khó có kiến thức chuyên sâu về tất cả các lĩnh vực đó. Việc hợp tác nghiên cứu giúp đạt được kết quả nghiên cứu tốt hơn, rút ngắn thời gian nghiên cứu, đồng thời giúp nhà khoa học học hỏi được kiến thức và ý tưởng đa dạng hơn. Kinh nghiệm của bản than tôi, tôi không chuyên sâu về khoa học máy tính hay trí tuệ nhân tạo mặc dù có dùng. Việc hợp tác với một bạn sinh viên và giáo sư có chuyên môn sâu về mảng này giúp tôi học hỏi được rất nhiều. Bạn sinh viên này cũng giúp tôi tinh chỉnh lại và tối ưu hóa chương trình lập trình mà tôi viết.
Tích cực tham gia các hoạt động khoa học
Tham gia các hoạt động khoa học đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu. Các hoạt động này bao gồm: tham gia hội thảo, báo cáo khoa học, tổ chức và làm chủ trì các phiên họp (sessions) trong các hội thảo, tham gia dạy các khóa học ngắn, làm biên tập hay phản biện cho các tạp chí chuyên ngành, cố vấn cho các nhóm, tổ chức, hay chương trình nghiên cứu. Tham gia các hiệp hội, hội thảo khoa học trong ngành giúp chúng ta kết nối và hợp tác với các nhà khoa học, giới thiệu những kết quả nghiên cứu mới ra cộng đồng. Việc tham gia biên tập hay phản biện khoa học là trách nhiệm của một nhà khoa học, đổi lại nhà khoa học cũng tiếp cận và luôn cập nhật những tiến bộ khoa học trong ngành từ những nghiên cứu mới nhất. Việc tham gia cố vấn khoa học cho các nhóm hay tổ chức khoa học giúp chúng ta học hỏi và có tầm nhìn tổng quan của một nhà quản lý khoa học, tạo ra những giá trị và ảnh hưởng lớn hơn của khoa học.
Khi còn là sinh viên tiến sĩ và nghiên cứu sinh sau tiến sĩ, tôi thường tích cực tham gia các hoạt động khác ngoài nghiên cứu như: dạy kiến thức địa lý và môi trường cho sinh viên phổ thông, tham gia hội thảo trong nước và quốc tế, chủ trì 2 phiên họp ở hội thảo lớn nhất ngành ở Mỹ, báo cáo kết quả nghiên cứu ở các trường đại học lớn và phòng thí nghiệm Jet Propulsion Laboratory của NASA, làm cố vấn cho Mạng lưới quan trắc hệ sinh thái của Mỹ NEON (National Ecological Observatory Network) và nhóm phát triển vệ tinh cỡ nhỏ phục vụ quan trắc khí thải nhà kính của Viện Hàng không Vũ trụ và viện Vector Institute for Artificial Intelligence (viện nghiên cứu nổi tiếng về trí tuệ nhân tạo) của Đại học Toronto.
Học cách để trở thành một nhà quản lý trong khoa học
Trong giai đoạn đầu bước vào nghiên cứu, việc cải thiện và học hỏi kỹ năng nghiên cứu chuyên sâu là việc quan trọng nhất. Tuy nhiên, khi trở thành trưởng nhóm thì nhà khoa học sẽ thiên về quản lý nghiên cứu (định hướng nghiên cứu, xây dựng nhóm, thiết kế phòng thí nghiệm và thiết bị, tuyển dụng và hướng dẫn sinh viên, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ, xin tài trợ, quản lý quỹ nghiên cứu, v.v.) nhiều hơn. Quản lý là kỹ năng cần được học hỏi và đúc kết qua một quá trình chứ không phải một sớm một chiều, và học hỏi được kỹ năng này càng sớm càng tốt, có thể ngay từ khi làm tiến sĩ. Các kinh nghiệm này có thể được đúc kết thông qua việc quản lý phòng thì nghiệm và hướng dẫn sinh viên.
Trong gần 5 năm làm tiến sĩ tại Đại học Toronto, tôi may mắn có cơ hội làm quản lý phòng thí nghiệm (Lab Manager) trong vòng 4 năm. Nhiệm vụ của tôi là quản lý phòng thí nghiệm hóa, phòng thiết bị, sửa chữa máy móc, mua sắm thiết bị, đồng thời phỏng vấn, tuyển dụng, và hướng dẫn sinh viên (research assistant) làm thí nghiệm, sử dụng, cách thức và quy trình thu thập và xử lý số liệu. Đồng thời tôi cũng phụ trách lập kế hoạch cho việc thu thập dữ liệu, quản lý nhóm thực địa, liên hệ các nhóm hợp tác cho hầu hết dự án trong nhóm. Ngoài ra tôi cũng phụ trách liên hệ và tổ chức các cuộc họp với các nhóm hợp tác. Những kinh nghiệm này giúp tôi sớm định hình được việc xây dựng nhóm nghiên cứu độc lập của mình trong tương lai. Khi đi phỏng vấn xin việc cho các vị trí giáo sư, tôi cũng luôn trình bản kế hoạch này cho hội đồng tuyển dụng. Có một lần tôi đi phỏng vấn vị trí giáo sư ở một trường đại học lớn ở Mỹ (trong nhóm 30 trường công tốt nhất) khi tôi đang học tiến sĩ năm thứ 4, một giáo sư trong hội đồng có nhận xét là tôi đang là sinh viên nhưng có kinh nghiệm và tầm nhìn tổng quan giống như một người đã làm nghiên cứu sau tiến sĩ được ít nhất 2 năm. Bà cũng nói tôi là sinh viên đầu tiên mà bà ấy thấy có những kỹ năng như vậy từ thời sinh viên. Tôi nghĩ thời điểm đó mình còn thiếu sót và cần học hỏi thêm rất nhiều, nhưng những đánh giá tích cực từ một giáo sư cũng cho thấy việc may mắn được làm quản lý phòng thí nghiệm đã giúp tôi cải thiện rất nhiều kỹ năng khác ngoài nghiên cứu.
Kết hợp nghiên cứu với giảng dạy
Giảng dạy trong nghiên cứu khoa học: Theo quan điểm cá nhân tôi, sứ mệnh của một nhà khoa học không chỉ là khám phá ra tri thức mới, giải quyết một vấn đề khoa học cho nhân loại mà còn là truyền đạt tri thức và đào tạo ra thế hệ nhà khoa học để tiếp bước những nghiên cứu đó trong tương lai. Do đó giảng dạy và đào tạo cũng là một phần quan trong trong khoa học. Các bạn sinh viên Thạc sĩ và Tiến sĩ ở Bắc Mỹ (Mỹ và Canada) thường phải tham gia giảng dạy (bao gồm trợ giảng và dạy chính) trong quá trình học tập. Việc này có thể tạo ra áp lực cho sinh viên cao học khi vừa phải đi học, làm nghiên cứu, vừa phải giảng dạy. Tuy nhiên việc giảng dạy cũng giúp sinh viên học hỏi được các kỹ năng thuyết trình khoa học, truyền đạt kiến thức và kết quả nghiên cứu, và cách thức giao tiếp và kết nối trong khoa học. Theo tôi được biết thì ở nhiều nước và trường ở khu vực khác sinh viên sau đại học không phải tham gia giảng dạy, tuy nhiên theo kinh nghiệm của bản thân thôi thì các bạn nên tham gia nếu có thể (ở một mức độ phù hợp) để cải thiện các kỹ kể trên ngoài công việc nghiên cứu. Thông qua việc này, chúng ta không khỉ chỉ dạy sinh viên mà còn học hỏi được những trải nghiệm và ý tưởng đa dạng từ các bạn sinh viên đó.
Lợi ích của việc giảng dạy khi xin việc: Kinh nghiệm giảng dạy giúp ích rất nhiều cho việc xin làm giảng viên hay giáo sư trong các trường đại học sau này. Khi phỏng vấn vị trí giáo sư ở Bắc Mỹ thì gần như 100% các trường thiên về giảng dạy (Primarily Undergraduate Institution – PUI) và khoảng 40-50% các trường chuyên về nghiên cứu (R1 – very high research activity hay R2 – high research activity) yêu cầu dạy thử một môn khoảng 45-50 phút. Kể cả những trường thiên về nghiên cứu và không yêu cầu dạy thử, học cũng sẽ cho thêm điểm cộng cho những ứng viên có kinh nghiệm dạy và được sinh viên đánh giá tốt (teaching evaluation) và họ cũng thường có câu hỏi thêm về giảng dạy trong quá trình phỏng vấn. Khi đi dạy thời làm tiến sĩ, tôi luôn chú trọng đọc nhất nhiều tài liệu cho từng bài giảng, trực tiếp thực hành các bài tập, và tập giảng nhiều lần trước khi lên lớp. Theo tôi thì đi dạy không chỉ để hoành thành công việc của mình mà còn là cơ hội để cải thiện kiến thức, các kỹ năng giảng dạy, kỹ năng thuyết trình của bản thân để trở thành một nhà giáo tốt. Môn học tôi dạy chính (với vai trò instructor) khi đó được sinh viên đánh giá tốt nhất trong tất cả những giáo sư, giảng viên từng dạy môn học đó trước đây. Bản đánh giá này là một điểm cộng khá lớn trong quá trình xin việc giáo sư của tôi.
Hướng dẫn sinh viên: Hướng dẫn sinh viên và nghiên cứu sinh sau tiến sĩ là một trong những việc quan trọng nhất của một nhà khoa học, đặc biệt là với những người là trưởng nhóm nghiên cứu hay giáo sư trong các trường đại học. Khi đó, nhà khoa học sẽ chuyển từ việc trực tiếp tham gia nghiên cứu sang việc đào tạo và hướng dẫn sinh viên và các nhà khoa học trẻ khác trong nhóm. Việc hướng dẫn sinh viên nên bắt đầu càng sớm càng tốt, thường là ngay từ thời điểm học thạc sĩ. Trong thời gian làm tiến sĩ và sau tiến sĩ, tôi có may mắn được tham gia đồng hướng dẫn (hướng dẫn trực tiếp về mặt kỹ thuật) luận văn cho 2 sinh viên thạc sĩ và đề tài nghiên cứu cho 12 sinh viên đại học. Bản thân tôi học hỏi được rất nhiều từ các bạn sinh viên bởi để hướng dẫn họ tôi cũng cần đọc và tìm hiểu thêm rất nhiều kiến thức đa dạng liên quan đến các đề tài khác nhau đó. Kinh nghiệm đó cũng giúp tôi định hình lên triết lý và phương pháp hướng dẫn sinh viên trong nhóm nghiên cứu của tôi trong tương lai.
Tận hưởng cuộc sống
Dù chúng ta có là ai, làm gì, ở đâu, đạt được những thành tựu gì thì tôi nghĩ cái đích cuối cùng mà tất cả chúng ta hướng tới vẫn là một cuộc sống toàn vẹn. Thành công của một người, dù đó là một nhà khoa học, không chỉ được đánh giá bởi thành công trong công việc. Ngoài nghiên cứu ra thì chúng ta cũng cần quan tâm tới gia đình, hoạt động sở thích của bản thân. Khi công việc và cuộc sống của chúng ta được cân bằng, đam mê và hiệu quả công việc cũng sẽ được tăng lên, áp lực và sự nhàm chán trong nghiên cứu cũng sẽ giảm đi. Không nên chỉ chú tâm vào nghiên cứu mà quên đi những giá trị khác của cuộc sống, những việc làm ý nghĩa khác cho bản thân và gia đình. Khi công việc nghiên cứu bế tắc, áp lực, hãy tạm dừng lại một bước, tự cho mình một khoảng thời gian nghỉ ngơi thư giãn để lấy lại năng lượng và động lực để bước tiếp. Chúng ta chỉ có thể sống một lần, hãy sống một cuộc sống có ý nghĩa nhất cho bản thân, gia đình, và xã hội.
Lời kết
Nghiên cứu khoa học là một chặng đường dài với nhiều gian nan và vất vả. Nếu sự đam mê và tình yêu cho khoa học không đủ lớn thì chưa chắc nó đã là con đường phù hợp cho các bạn vì còn có rất nhiều con đường khác để thành công. Để thành công trong khoa học chúng ta cần phải có đam mê, nỗ lực, sự kiên định, sự cam kết, và có thể phải hy sinh và đánh đổi. Nếu chúng ta yêu khoa học thì chúng ta sẽ thấy hạnh phúc khi theo đuổi nó. Trên đây là những kinh nghiệm và nhận định của tôi thông qua trải nghiệm học tập và nghiên cứu khoa học của bản thân. Những kinh nghiệm này có thể chỉ phù hợp hay đúng với một số người hay ngành nghề nhất định. Hy vọng những chia sẻ của tôi có ích cho các bạn sinh viên.
Lời nhắn nhủ của tôi cho các bạn sinh viên:
“Hãy mơ những giấc mơ lớn, dấn thân vào những con đường mạo hiểm, và kiên định theo đuổi giấc mơ đó một cách có kế hoạch và lộ trình khoa học, các bạn sẽ được đền đáp xứng đáng”.
Chúc trường hè khoa học VSSS10 thành công tốt đẹp!
Trân trọng,
Phuong D. Dao
Ph.D., Assistant Professor
HyperAI Lab- Hyperspectral Remote Sensing & Agricultural Intelligence
Department of Agricultural Biology, Colorado State University
307 University Ave., Fort Collins CO 80523, USA